Nếu chú ý một chút tới tranh Tết truyền thống, chắc hẳn chúng ta sẽ thường xuyên bắt gặp tranh vẽ đứa trẻ ôm con cá chép. Hiển nhiên, con cá chép trong tranh được xem là biểu tượng may mắn.
Trong văn hoá truyền thống, hàm nghĩa văn hoá của cá được thể hiện dưới nhiều phương diện. Thời cổ có “ngư tố”, tương truyền đó là hình thức dùng lụa viết thư sau đó nhét vào bụng cá để gửi đi, nên gọi là “ngư truyền xích tố”. Loại thư tín dùng cá để truyền đi này còn gọi là “ngư thư”, hoặc “ngư tiên”. Thời cổ còn có “ngư phù”, hay “ngư khế” là tín vật tương tự như hổ phù. Thời Tuỳ Đường, triều đình phát cho quan lại ngư phù, là những tấm gỗ hoặc đổng được khắc hoặc đúc thành hình con cá, sau đó viết chữ lên, để làm tín vật.
Trong lễ hội đèn lồng dân gian có “ngư đăng”, tức đèn lồng làm thành hình con cá. Dụng cụ gõ để tạo tiết tấu khi các sư tăng trong chùa tụng kinh (mõ) gọi là “ngư cổ”, hay “mộc ngư'(cá gỗ).
Thời Đường Dân gian coi cá là vật cát tường, nguyên nhân chủ yếu là dựa vào hiện tượng đồng âm. Như bức tranh cát tường “liên niên hữu dư’ hoặc trẻ nhỏ, hoa sen và cá, “ngư’ đồng âm với “du”(trong tiếng Hán, hai chữ này phát âm giống nhau), ngụ ý cuộc sống no đủ hạnh phúc.
Tranh “Liên niên hữu dư” vẽ đàn cá chép bơi lội quanh hoa sen ngụ ý quanh năm được dư dả
Ngoài ra còn có bức “song ngư cát hạnh” vẽ hai con cá. Thể loại tranh ngụ ý cát tường này đã có từ lâu, vào thời Hán, dưới đáy những đồ đồng dùng để đựng nước rửa mặt, rửa tay chân thường có vẽ hình con cá, mặt bên đề ba chữ “đại cát tường”, nên đời sau mới có câu đối là: “Tấn chuyên ngũ lộc nghi tử tôn, Hán tẩy song ngư đại cát tường” (nghĩa là gạch nhà Tấn khắc năm con hươu để phù hộ con cháu, đồ rửa nhà Hán vẽ hai con cá ngụ ý gặp nhiều may mắn).
Chủ đề tranh vẽ “song ngư cát hạnh” được dùng nhiều trong hôn lễ. Hoa văn vẩy cá, gọi là “ngư lân cẩm”, thường sử dụng trong những vật dụng thường ngày, xây dựng và quần áo… Chủng loại cá rất nhiều, nhưng trong những câu nói cát tường, tranh cát tường, được nhắc tới nhiều nhất vẫn là cá chép, cá vàng. Trong tiếng Hán, chữ “lý” trong lý ngư (cá chép) đồng âm với chữ “lợi” (có lợi), cá trong hai bức tranh cát tường “ngư ông đắc lợi” và “gia gia đắc lợi” đều là cá chép. Bức thứ nhất vẽ ngư ông thả câu bắt được cá, thường dùng làm tranh trang trí cho cửa hàng hoặc thương hiệu; bức thứ hai vẽ nhà nhà đi mua cá.
Một bức tranh vẽ cá chép vượt long môn hàm ý về sự thăng tiến, may mắn
Tục truyền cá chép rất giỏi nhảy, nên thời cổ có câu chuyện “cá hoá rồng”, “cá chép vượt long môn”. “Cá hoá rồng” là truyền thuyết tưởng tượng, có thể coi là lời chúc thành công, dân gian cũng có đề tài tranh vẽ này. “Cá chép vượt long môn” chính là nói tới câu chuyện “cá hoá rồng”. Theo truyền thuyết tất cả những loài sống dưới nước nếu vượt qua được long môn sẽ biến hoá thành công, nhưng phần lớn đểu không vượt qua được, ngược lại còn bị bể đầu chảy máu; nhưng cá chép lại nhảy được qua (tất nhiên cũng không phải toàn bộ), và biến thành rồng. Người đời sau thường dùng “cá chép vượt long môn” để ví với sự thăng tiến, hoặc chúc thăng tiến, may mắn. Hình ảnh cá chép cuộn mình trong sóng cả, sóng tượng trưng cho long môn, được sử dụng nhiều trong các loại hình nghệ thuật như hội họa, thêu dệt, cắt giấy, điêu khắc,…
Ngoài ra, cá chép đẻ nhiều trứng, nên cũng được dùng để cầu chúc đông con, trở thành tượng trưng cho con đàn cháu đống. Đồ đồng thời Hán, phía trên thường trang trí hai con cá chép, ở giữa khảm bốn chữ “quân nghi tử tôn” chính là biểu hiện của phong tục này. Phong tục hôn lễ vùng Triết Đông, khi cô dâu ra khỏi kiệu, sẽ rải tiền đồng trên mặt đất, gọi là ‘lý ngư tát tử’ (cá chép rải con).
Cá vàng là loài cá cảnh quý. Nó có vảy óng ánh, tư thái đĩnh đạc, chìm nổi tự nhiên, bơi lượn nhẹ nhàng, được mọi người đặc biệt yêu quý, được gọi là “kim lân tiên tử’ (vị tiên vảy vàng), “thuỷ trung mẫu đơn” (mẫu đơn trong nước), người phương tây lại gọi là “đông phương thánh ngư’ (cá thần phương Đông). Trong các loại cá cảnh, cá vàng là loài phổ biến nhất, bản thân nó có ngoại hình rất đẹp. Ngoài ra, vì đồng âm mà cá vàng còn được coi là vật cát tường. Cá vàng hay còn gọi là kim ngư, kim đồng âm với “kim ngọc”, bức tranh cát tường “kim ngọc mãn đường” chính là bức vẽ một đàn cá.
(Theo Các vật phẩm phong thủy cát tường)
Tags: phong thủy cho nhà ở, phong thủy học, phong thủy làm nhà, phong thủy nhà, phong thủy nhà đất, xây nhà theo phong thủy, xem phong thủy làm nhà, xem phong thủy nhà, xem phong thủy nhà đất