Tại sao nói Nam đeo Quan Âm, nữ đeo Di Lặc?
Trong giới chơi ngọc có câu “Nam đeo Quan Âm, nữ đeo Di Lặc”, đó là một tục truyền dân gian, tựa như một lời cầu chúc may mắn cho người tín ngưỡng. Bạn đã biết và hiểu lý do tại sao có câu nói thiên về yếu tố tâm linh này hay chưa? Hôm nay, Lịch ngày tốt sẽ cùng các bạn độc giả đi tìm rõ ngọn nguồn nảy sinh và cách hiểu câu nói được sử dụng khi chọn trang sức Phật giáo này sao cho thật chính xác nhé.
Nguồn gốc ra đời quan niệm “Nam đeo Quan Âm, nữ đeo Di Lặc”
Quan niệm “Nam đeo Quan Âm, nữ đeo Di Lặc” chủ yếu bắt nguồn từ mối quan hệ giữa Đạo giáo, Phật giáo và Kinh Dịch, kết hợp với âm dương ngũ hành để đúc rút ra kinh nghiệm sử dụng trang sức Phật giáo. Nam giới thuộc dương mà nữ giới thuộc âm. Ngược lại, Quan Âm là nữ thuộc âm, Di Lặc là nam thuộc dương. Từ đó có thể hiểu rằng quan niệm trên sinh ra từ việc bản thân được mặt Phật đem theo mình bổ sung âm dương, đạt đến hiệu quả âm dương cân bằng.
Trong quan điểm văn hóa truyền thống phương Đông, âm dương luân chuyển, là đạo lý của vạn vật trong vũ trụ này, âm dương giao hòa là bản chất nội tại của tự nhiên, là cơ chế hoạt động của sinh mệnh con người. Do đó, dù là tu sinh hay dưỡng sinh thì đều phải đạt đến độ âm dương cân bằng, tiến tới tâm và cơ thể hài hòa, chạm tới cảnh giới con người và thiên nhiên hợp vào làm một.
Xưa kia, nam giới là người ra ngoài đối ngoại, lo chuyện làm ăn buôn bán, kiếm tiền chăm sóc gia đình. Họ thường phải đi xa gia đình suốt một thời gian dài, vì thế sự an toàn luôn là điều quan trọng nhất.
Nam đeo Quan Âm vì tâm tính đàn ông thường khá lạnh lùng thô bạo, mà Quan Âm là đức Phật đại diện cho thiện tâm. Mang theo mình tượng Quan Âm cũng chính là lời nhắc nhở bản thân tu thân tích đức, xóa bỏ tà tâm, bình tình giải quyết sự việc, không nóng nảy bộp chộp mà dễ hỏng việc lớn.
Ngoài ra, nam đeo Quan Âm là thể hiện mong muốn nam giới ra ngoài xã hội được bình an may mắn, công danh tài lộc đủ đầy. Trong văn hóa về Ngọc, Quan Âm là hình tượng nữ thân được kết hợp từ Quan Âm trong Phật giáo và Vương Mẫu nương nương trong Đạo giáo.
Quan Âm là vị Phật có thể bảo trợ bình an, ngoài ra chữ “Quan Âm” trong tiếng Hán đồng âm với “Quan Ấn”, vì thế mà người ta cũng hy vọng Quan Âm sẽ phù hộ độ trì cho cuộc sống thuận lợi, sự nghiệp hanh thông, sức khỏe dồi dào, vạn sự như ý.
Nữ giới đối nội, coi gia đình làm trọng, là người mang lại sự ấm áp cho gia đình, là biểu trưng cho tổ ấm hạnh phúc. Phật Di Lặc đầu tròn bụng lớn, thân hình tròn trịa, lòng dạ khoan dung, từ bi độ lượng, luôn nở nụ cười, lạc quan vui vẻ. Nữ giới đeo Di Lặc sẽ hoàn toàn thể hiện được tình yêu bao la của người mẹ, có thể thoải mái giải quyết đủ mọi chuyện vụn vặt của gia đình, giữ cho gia đình hòa thuận yên ấm, “gia hòa vạn sự hưng”.
Nữ đeo Di Lặc còn thể hiện mong muốn cuộc đời phụ nữ được Di Lặc bảo hộ được an nhàn hạnh phúc. Di Lặc là đức Phật của tương lai, có thể đem lại phúc khí, cát khí cho con người, mang tới ngày mai tươi sáng hơn. Nữ đeo Di Lặc hay nữ đeo Phật cũng có ý nghĩa tương tự như nhau, chữ “Phật” trong tiếng Hán phát âm gần giống với chữ “Phúc”, ý cầu chúc người phụ nữ lấy được người chồng tốt, cả đời được phúc khí đi theo.
Nữ đeo Di Lặc vì phụ nữ thường có phần ích kỉ nhỏ nhen, hay so đo tính toán, mà Di Lặc là đức Phật đại diện cho lòng dạ bao la, khoan dung độ lượng. Nói nữ nên đeo mặt Di Lặc là muốn học cách phóng khoáng đối diện với mọi chuyện mình gặp phải. Cuộc đời nhiều chuyện phải lo phiền nghĩ ngợi, nên học Phật để tĩnh tâm an lạc, bình tâm xem xét sự đời, mỉm cười vượt qua giông bão.
Nói tóm lại, “nam đeo Quan Âm, nữ đeo Di Lặc” cũng chính là lấy âm dương nam nữ tương trợ, bù đắp cho nhau những điều còn thiếu sót. Nam giới có thể lấy những ưu điểm của nữ giới để sửa đổi bản thân mình và ngược lại, nữ giới cũng vậy.
Từ đó có thể thấy, “nam đeo Quan Âm, nữ đeo Di Lặc” là quan điểm thể hiện sự hiểu biết và thăng hoa của văn hóa Phật giáo, Đạo giáo đối với việc sử dụng ngọc, đá quý. Dù là Quan Âm hay Di Lặc thì đều là Đức Phật phổ độ chúng sinh, có thể giúp con người trừ tà tích phúc, hóa dữ cầu an, gặp hung thành cát.
Quan điểm trên có thực sự chính xác hay không?
Có người lại cho rằng cách lý giải phía trên là không hoàn toàn chính xác, vì trong Phật giáo thì Phật và Quan Âm vốn không phân biệt giới tính rõ ràng, vậy thì sao có thể nói “Nam đeo Quan Âm, nữ đeo Di Lặc”.
Theo quan điểm này thì Phật giáo Mật tông của Trung Quốc được truyền qua thiên can địa chi, 12 mối nhân duyên, ngũ hành Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ tương sinh nên có 8 đức Phật bảo hộ cho 12 con giáp. Vì thế, nếu muốn được Phật phù trợ thì tốt nhất nên dựa vào con giáp của mình mà lựa chọn Phật bản mệnh cho chính xác để mang theo người.
Câu nói “Nam đeo Quan Âm, nữ đeo Di Lặc” qua thời gian bị thay đổi dần. Theo ghi chép trong Kinh Phật thì khi mỗi người sinh ra đều có một vị Phật hay Quan Âm Bồ Tát đi theo bảo vệ. Người sinh vào con giáp khác nhau thì tính cách khác nhau, tính cách là một trong những yếu tố quan trọng quyết định vận thế con người.
Phật độ mệnh thực tế chính là dựa vào việc trong mệnh mỗi người thiếu sót gì thì đeo mặt Phật độ mệnh bên mình sẽ bổ khuyết, giữ được bình an, hóa hung thành cát, ly khổ đắc lạc. Theo đó, chúng ta có Phật độ mệnh cho từng con giáp, giúp bản mệnh được an lành, phúc lộc.
Tags: Nguồn gốc ra đời, phật di lặc, Phật Quan Âm, trang sức Phật giáo, truyền thống phương Đông