Chuyện bố trí nhà “đóng” hay “mở” lâu nay vẫn râm ran nhiều ý kiến trái chiều nhau về quan điểm thiết kế – phong thủy sao cho ưu việt, nhất là đối với căn hộ chung cư và nhà ống theo điều kiện đặc thù Việt Nam.
Nhóm theo xu hướng “đóng” lập luận rằng, phòng ốc cần riêng biệt, nấu nướng khói mùi lan tỏa nhiều, vào nhà nhìn thấy thông thống trước sau là hao tài tán khí. Trong khí đó quan điểm nhà cần làm mở lại nêu ưu điểm linh hoạt trong sử dụng, tiết kiệm chi phí vách ngăn, giúp nội thất thoáng rộng và luân chuyển khí – phong thủy tốt hơn là bít bùng chia cắt. Thực sự không có quan điểm nào là ưu việt hoàn toàn, mà nên cần tìm đến yếu tố dung hòa để hữu dụng trên các tiêu chí sau đây:
Thứ nhất, không gian mở có nhiều ưu điểm như kể trên, nhưng phải áp dụng cụ thể tùy theo hướng khí hậu, hướng giao tiếp và phương vị để không đưa xấu vào nhà. Ví dụ, nhà quay ra hướng nắng gắt như Tây hoặc Tây Bắc mà tường ngoài làm kính, cửa mở rộng sẽ lợi bất cập hại, nhiệt độ tăng cao, điều hòa chạy suốt ngày, rèm kéo kín mít để cản bức xạ. Hoặc nhà bố trí bếp nhằm đầu hướng gió (Nam, Đông Nam) mà bếp làm không ngăn che thì gió đưa mùi nấu nướng, dầu mỡ lan tỏa khắp nơi trong nhà.
Thứ hai, mỗi ngôi nhà luôn cần các điểm phân tán gió để tránh các khối khí lưu thông thẳng hàng nhau theo ống hẹp gây ra gió lùa. Nếu không đảm bảo thông gió liên tục thường xuyên ở cả hai phía – đón gió và thoát gió – khi mở cửa đột ngột sẽ tạo nên vùng áp lực khí chênh lệch nhau. Do đó, một ngôi nhà về hình khối có thể đóng kín, về ngăn chia có thể nhiều vách nhưng nếu biết bố trí hệ thống thông gió thường xuyên và thông suốt bên trong với bên ngoài (ví dụ: dùng lam, cửa sổ lật trên cao, giếng trời hở, cửa chớp…) vẫn tốt hơn một ngôi nhà làm mặt bằng ít ngăn chia mà lại gắn kính bít bùng, giữa trong và ngoài không luân chuyển khí được (hình 1 & 2).
Thứ ba, có thể thấy ngôi nhà kiểu truyền thống VN về bản chất là một không gian mở lớn, chỉ dùng các vách ngăn nhẹ hay tủ kệ mà thôi, còn tính chất trường khí vẫn liên tục theo kiểu ngoài đóng trong mở. Do đó ngôi nhà hiện đại có thể tiếp thu phần nào nguyên tắc này. Nghĩa là nên dùng hành lang, hàng hiên ngoài vươn rộng, mảng tường che chắn bức xạ, khối nhà đóng lại đối với các hướng xấu và mở ra đối với các hướng tốt. Chỗ nào cần hướng cát cho gia chủ như tiếp khách, ngủ, làm việc… thì đặt về vị trí tốt.
Còn khu vệ sinh, bếp hoặc kho nên tựa vào các hướng xấu (tọa hung hướng cát). Căn hộ chung cư nên đặt tại lối vào các chức năng cần đóng như bếp, vệ sinh, còn nên dành phần mở ra phía sau cho các không gian sinh hoạt (hình 3). Thoáng mở có mức độ sẽ giúp giảm các luồng khí xấu trong nhà, nhất là từ khu vực có khí thải và nước thải.
Thứ tư, có thể đóng mở theo chiều cao như dùng giếng trời có mái di động được để điều tiết lượng nắng gió vào nhà. Hoặc có thể thay đổi độ cao toàn nhà bằng các không gian thông tầng, không gian lệch tầng để nội khí được liên kết và luân chuyển theo dạng chéo. Các tầng này dễ kết nối với tầng khác và toàn nhà là một trường khí liên tục (hình 4). Lệch tầng đi kèm với giếng trời trong nhà ống hẹp sẽ giúp dương quang phân bố đều hơn và tạo các tầm nhìn phong phú thay vì phân tầng thẳng suốt.
Tags: phong thủy cho nhà ở, phong thủy học, phong thủy làm nhà, phong thủy nhà, phong thủy nhà đất, xây nhà theo phong thủy, xem phong thủy làm nhà, xem phong thủy nhà, xem phong thủy nhà đất