Phía trước, phía sau ngôi nhà, cau và chuối đều có thân tròn ngay thẳng khỏe mạnh sẽ thanh lọc khí rất tốt. Hoa cau mềm mại, đem đến hương thơm dịu đầy ấn tượng; hoa chuối trổ bông xòe rộng như những ngón tay chở che. Buồng cau, buồng chuối đều sai quả, biểu tượng cho sự sung túc, tán lá như những cánh tay trải rộng bao bọc gợi liên tưởng mang lại sự may mắn cho gia chủ.
Ông cha ta xưa nay chọn đất dựng nhà, khi bài trí mảnh sân, góc vườn thường rất lưu tâm đến hàng cau, khóm chuối.
Hầu hết những ngôi nhà ở làng quê đều không thể thiếu cây cau, cây chuối cùng với một số cây khác như bưởi, khế, tre, trúc… Những loại cây này đã trở thành biểu tượng thân quen, làm đẹp cảnh quan cho mỗi ngôi nhà của làng quê.
Làng quê xưa, trong khuôn viên mỗi ngôi nhà, dù là nhà xây bằng gạch, hay vách đất, phên tre, cha ông ta đều bố trí một khoảng sân rộng phía trước dùng để phơi thóc lúa, rơm rạ. Ở nơi mé sân thường thấy xuất hiện cây cau, hay một hàng cau được trồng thẳng tắp. Dưới gốc cau là cái chum, vại dùng để đựng nước mưa, cũng có khi dưới gốc cau còn trồng một vài dây trầu không. Ở phía sau nhà cũng có một khoảng trống để trồng mấy khóm chuối,…
Kiến trúc nhà xưa ở làng quê vùng Đồng bằng Bắc bộ thường là 3 gian 2 chái, hoặc 5 gian, cửa bức bàn, mái lợp rơm rạ, có điều kiện thì mới lợp ngói. Khung cảnh xưa tuy vậy mà tạo cảm giác dễ chịu, đẹp về không gian kiến trúc và người sống trong ngôi nhà thường thấy thoải mái, thoáng mát chứ không bí bức, oi nồng như những ngôi nhà xây tầng san sát tường gạch, bê tông như thời bây giờ.
Ngày nay, những ngôi nhà được xây dựng có phần tiện nghi, hiện đại hơn nhưng để có được khuôn viên, cảnh quan như những ngôi nhà xưa hẳn vẫn là điều ối người phải mơ, nhất là khi nơi phố xá đã “đất chật, người đông”, “tấc đất, tấc vàng”. Có lẽ cũng vì thế mà trải qua năm tháng, các thế hệ nhà xây sau này khi bài trí gần như gia chủ đã “quên” câu nói xưa của cha ông “trước cau, sau chuối”, trồng tre, trúc quanh vườn nhà.
Thực tế do hoàn cảnh, điều kiện sống và sinh hoạt, những ngôi nhà nay đã khác xưa. Nhưng nếu hiểu được ý nghĩa “trước cau, sau chuối” theo kinh nghiệm của cha ông, hẳn ngôi nhà của bạn dù chật hẹp hay rộng rãi vẫn sẽ tạo được thế huyền vũ (thế núi tựa) cho lưng nhà và minh đường (sân – khoảng trống) phía trước nhà, đem lại một không gian kiến trúc hài hòa, hợp phong thủy.
Người xưa còn quan niệm, “lấy vợ hiền hòa, ở nhà hướng Nam”. Thực tế hướng Nam, Đông Nam là hướng gió mát, hướng có ánh nắng buổi sớm mà không bị nắng gắt buổi chiều của hướng Tây và gió lạnh từ hướng Bắc. Bởi vậy kiến trúc nhà truyền thống nơi làng quê thường chọn hướng Nam, Đông Nam để tạo không gian sống thoáng mát, dễ chịu cho người cư ngụ.
Nếu nhà có khoảng trống (sân) phía trước và cả sân sau nữa thì mới thật là hoàn hảo. Trong phong thủy quan niệm, khoảng trống (sân) trước có tác dụng là vùng đệm để thanh lọc khí, đón khí tốt vào nhà; khoảng trống (vườn) phía sau thường nhỏ hẹp hơn phía trước, có tác dụng thanh lọc, giữ cho khí từ từ thoát ra, tránh tạo sự thoát khí đột biến, đồng thời chắn gió lạnh từ bên ngoài, giữ ấm cho ngôi nhà. Do vậy sân trước cần rộng rãi và thoáng, sân sau hẹp và tạo thế che chắn sẽ tốt hơn.
Trước nhà thường chọn cau. Vì cây cau thân tròn có nhiều đốt, mọc cao và ngay thẳng, lá ở tít trên cao phần ngọn. Cau thích nghi ánh sáng hướng Tây. Nếu trồng ở phía trước nhà hướng Nam, cau sẽ hấp thụ ánh sáng mạnh của hướng Tây, thanh lọc bớt khí nóng, lại đón được ánh nắng buổi sớm ban mai mà không bị che chắn của hướng Đông để lấy gió mát vào nhà. Hàng cau trước nhà thẳng tắp vừa đẹp mắt, lại không che khuất tầm nhìn của ngôi nhà, có tác dụng như một hàng rào danh dự trấn giữ, che chở bảo vệ cho ngôi nhà của bạn. Tác dụng này của cây cau cũng gần giống với cây trúc quân tử. Bởi vậy, ở nhiều ngôi nhà chúng ta cũng thấy gia chủ trồng bao quanh một hàng trúc. Đó chính là “trước cau…” theo ý nghĩa bài trí của người xưa.
Nhà hướng Nam, sau nhà là hướng Bắc. Cây chuối có nhiều tàu lá to, thân to tròn gồm nhiều lớp bẹ kết gắn chặt lại mà thành cây. Cây chuối là loại cây đẻ mầm rất nhanh, sống khỏe, tạo thành khóm, bụi nên mang nét vững chắc, có tác dụng che chắn khí lạnh từ phương Bắc và Đông Bắc thổi tới để giữ ấm cho ngôi nhà. Với những ngôi nhà dài, như nhà 5 gian truyền thống, trồng chuối phía sau nhà còn có tác dụng che mát nắng nóng buổi chiều của hướng Tây. Bởi thế, “… sau trồng chuối” theo nghĩa của người xưa là vậy.
Phía trước, phía sau ngôi nhà, cau và chuối đều có thân tròn ngay thẳng khỏe mạnh sẽ thanh lọc khí rất tốt. Hoa cau mềm mại, đem đến hương thơm dịu đầy ấn tượng; hoa chuối trổ bông xòe rộng như những ngón tay chở che. Buồng cau, buồng chuối đều sai quả, biểu tượng cho sự sung túc, tán lá như những cánh tay trải rộng bao bọc gợi liên tưởng mang lại sự may mắn cho gia chủ.
Tags: cau và chuối, khí vượng, may mắn, Phong thủy nhà truyền thống, Sau chuối, Trước cau